Sáng ngày 14/10/2024, tại trường tiểu học Nguyễn Văn Bá đã diễn ra buổi tuyên truyền Luật Trẻ em do báo cáo viên pháp luật Nguyễn Thúy Hoa, Phó Chánh thanh tra thành phố Thủ Đức trình bày. Chương trình được thực hiện với sự đồng hành của Hội Luật gia thành phố Thủ Đức và Hội LHPN, Công an phường, Liên đội trường tiểu học Nguyễn Văn Bá.
Tham dự chương trình có sự hiện diện của Bà Nguyễn Thị Phương Quyên, Chủ tịch Hội LHPN phường.
Xác định được tầm quan trọng trong việc đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước; việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Với mong muốn các em sẽ hiểu được những quyền lợi mà các em được bảo vệ, được phát triển, tôn trọng và tham gia ở lứa tuổi của các em.
Quyền trẻ em ra đời nhằm bảo vệ trẻ em theo cách tốt nhất. Quyền trẻ em được hiểu là quyền của con người được áp dụng dành riêng cho trẻ em. Mỗi người trong chúng ta đều sẽ có quyền và nghĩa vụ khác nhau. Trẻ em cũng vậy, ở mỗi một lứa tuổi và trình độ khác nhau, trẻ em cũng có quyền và những nghĩa vụ khác nhau. Quyền của trẻ em cũng cần được tôn trọng và bảo vệ giống như quyền của người lớn.
Quyền được sống còn: là nhóm bao gồm những quyền của trẻ em được sống cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển thể chất. Đó là mức sống đủ, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe. Trẻ em phải được khai sinh ngay sau khi ra đời, nhóm quyền này bao gồm những quyền cụ thể là: Quyền sống; Quyền được khai sinh và có quốc tịch; Quyền được chăm sóc sức khỏe; Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng.
Quyền được phát triển: gồm những điều kiện để trẻ em có thể phát triển đầy đủ nhất về cả tinh thần và đạo đức, bao gồm việc học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, tiếp nhận thông tin, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Trẻ em cần có sự yêu thương và cảm thông của cha mẹ để có thể phát triển hài hòa, cụ thể là các quyền: Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; Quyền vui chơi, giải trí; Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc; Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Quyền được sống chung với cha, mẹ; Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ.
Quyền được bảo vệ: bao gồm những quy định như trẻ em phải được bảo vệ chống tất cả các hình thức bóc lột lao động, bóc lột và xâm hại tình dục, lạm dụng ma túy, sao nhãng và bị bỏ rơi, bị bắt cóc và buôn bán. Trẻ em còn được bảo vệ khỏi sự can thiệp vô cớ vào thư tín và sự riêng tư, cụ thể là những quyền sau: Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục; Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc; Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy; Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang,Quyền về tài sản; Quyền bí mật đời sống riêng tư.
Quyền được tham gia: tạo mọi điều kiện cho trẻ em được tự do bày tỏ quan điểm và ý kiến về những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình. Trẻ em còn có quyền kết bạn, giao lưu và hội họp hòa bình, được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin và chọn lựa thông tin phù hợp. Nhóm quyền này bao gồm những quyền sau: Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; Quyền được bảo đảm an sinh xã hội; Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp.
Quyền của trẻ em khuyết tật: Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự lực và hòa nhập xã hội.
Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn: Trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, trẻ em lánh nạn, tị nạn được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo, được tìm kiếm cha, mẹ, gia đình theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên
Sau khi theo dõi tuyên truyền về Luật trẻ em, GVCN cùng lắng nghe chia sẻ cảm nhận của các em HS sau khi xem clip. Rất nhiều em HS đã hào hứng khi biết thêm được nhiều điều về Luật trẻ em mà mình chưa bao giờ được biết đến như: Quyền về tài sản riêng; Quyền được bí mật đời sống riêng tư....